Ê Buốt Răng Và Cách Xử Lý
1. Ê buốt răng là gì?
Ê buốt răng hay còn gọi là răng nhạy cảm (nhạy cảm ngà) là một trong những vấn đề nha khoa phổ biến. Răng nhạy cảm là hậu quả của các vấn đề thường gặp ví dụ như: tụt nướu và mòn men răng, tình trạng ê buốt răng có thể tiến triển theo thời gian. Hầu hết răng nhạy cảm thường gặp ở những bệnh nhân trong độ tuổi từ 20 tuổi đến 50 tuổi.
Răng nhạy cảm bắt đầu hình thành khi phần ngà răng (phần nằm dưới lớp men và nướu răng) bị ăn mòn. Hàng ngàn kênh dẫn truyền cực nhỏ chạy qua ngà hướng đến phần trung tâm răng. Khi phần ngà răng bị ăn mòn, các tác nhân bên ngoài tác động vào răng như đồ uống lạnh, đồ ăn chua có thể kích thích các dây thần kinh bên trong răng và kết quả là tạo nên những cơn đau buốt ngắn và nhói cho răng nhạy cảm.
Nếu tình trạng ê buốt răng kéo dài, có thể làm tăng tình trạng lộ ngà răng. Do đó, việc chăm sóc cho răng nhạy cảm và làm giảm các cơn đau rất cần thiết. Thay đổi một số thói quen trong việc chăm sóc răng miệng và ăn uống hàng ngày có thể làm giảm tình trạng nhạy cảm răng. Bác sĩ nha khoa có thể xác định được chính xác răng có bị nhạy cảm hay không. Nên nếu gặp bất kỳ vấn đề gì về răng, hãy đến phòng khám răng hàm mặt tham khảo ý kiến nha sĩ để được tư vấn.
2. Dấu hiệu nhận biết răng nhạy cảm
Dấu hiệu để nhận biết ê buốt răng bao gồm đau và khó chịu ở răng khi ăn thức ăn ngọt, chua hoặc có chứa axit ví dụ như chanh, kẹo, xoài, cóc, thức ăn nóng hoặc lạnh như cà phê nóng, kem hay nước đá.
Có một số người đã hiểu nhầm là răng nhạy cảm sẽ chỉ đau trong khi ăn uống. Tuy nhiên, nếu răng nhạy cảm với sự lạnh ví dụ như khi hít phải khí lạnh hay uống đồ uống lạnh có đá, thời tiết thay đổi khiến bạn ê buốt răng, hoặc đau tạm thời thì cũng rất có thể mắc phải tình trạng răng nhạy cảm.
Răng nhạy cảm sẽ càng dễ tổn thương hơn nếu răng bị đè ép hoặc chạm vào. Một vài trường hợp có thể bị đau khi đánh răng hoặc khi dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng.
3. Nguyên nhân dẫn tới răng nhạy cảm
Một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới ê buốt răng bao gồm:
-
Thực phẩm chứa axit: Việc thường xuyên ăn những loại thực phẩm có hàm lượng axit cao như cam quýt, cóc, xoài, cà chua, dưa chua hay trà có thể gây mòn men răng.
-
Lông bàn chải đánh răng cứng: Nếu đánh răng mạnh hay sử dụng các bàn chải quá cứng thì nướu có thể bị tổn thương và lộ ra lớp ngà. Từ đó, răng bị ê buốt khi ăn uống, đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa.
-
Đánh răng sai cách: Thói quen đánh răng qua lại theo chiều ngang khiến chân răng nhanh chóng bị mòn đi, vì vậy nên đánh răng theo hướng chuyển động tròn hoặc có thể hỏi nha sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách đánh răng khoa học nhất.
-
Tụt nướu: Chân răng được bao bọc bởi các mô nướu. Tuy nhiên, nếu như bị bệnh nha chu, nướu có thể bị tụt và lộ ra lớp ngà nhạy cảm. Do đó, khi gặp phải tình trạng tụt nướu thì cần đến gặp bác sĩ nha khoa để có những lời khuyên và được can thiệp kịp thời.
-
Răng bị vỡ, nứt: Nhai đá, cắn kẹo cứng, hay tai nạn va đập có thể dẫn đến mẻ hoặc nứt răng. Khi một chiếc răng bị nứt, các đầu mút dây thần kinh bên trong sẽ bị kích thích khi ăn nhai. Ngoài ra, vết nứt cũng là nơi chứa vi khuẩn gây viêm nhiễm, khiến răng bị đau buốt.
-
Sâu răng: Sâu răng tạo ra các lỗ sâu trên răng, khi lỗ sâu vào tủy làm lộ các đầu mút dây thần kinh trong tủy răng. Từ đó khiến bạn dễ bị ê buốt răng. Cách tốt nhất trong trường hợp này là hãy giữ gìn vệ sinh răng miệng thật tốt, ăn uống đúng cách và nên đến nha sĩ kiểm tra răng định kì.
- Nghiến răng: Mặc dù men răng là mô cứng nhất trong cơ thể, nhưng theo thời gian men răng cũng có thể bị mòn đi vì những thói quen mà nhiều người tưởng chừng vô hại ví dụ như nghiến răng hoặc một số bệnh lý về khớp cắn. Vì vậy hãy hạn chế những hành động này để tránh làm răng bị ê buốt.
4. Phòng ngừa răng nhạy cảm
Để phòng ngừa răng nhạy cảm thì việc vệ sinh răng miệng thường xuyên là một việc làm cực kỳ quan trọng đối với chăm sóc sức khỏe răng miệng. Một số điều nên làm để bảo vệ răng bao gồm:
- Nên chải răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ với kem đánh răng dành riêng cho răng nhạy cảm.
- Hãy dùng bàn chải có lông mềm mịn và chải răng nhẹ nhàng theo vòng tròn, không nên chải răng theo chiều ngang.
- Cần thay bàn chải đánh răng thường xuyên khoảng 2 – 3 tháng/lần, hoặc có thể thay sớm hơn nếu bàn chải đã xơ.
- Hạn chế sử dụng những loại thức ăn có hại cho răng như thức ăn có đường, thức uống có ga và axit.
- Nếu có tật nghiến răng khi ngủ, hãy tham khảo ý kiến nha sĩ liệu có nên dùng miếng bảo vệ răng vào ban đêm để hạn chế tình trạng này.
- Khám răng định kỳ ít nhất 1 lần/năm.
- Sử dụng kem đánh răng có chứa thành phần quan trọng là Fluor giúp cấu trúc răng thêm chắc khỏe, ngăn ngừa răng nhạy cảm. Flour cũng làm tăng cường sự bù chất chất khoáng, nhằm phòng ngừa sâu răng trước khi lỗ sâu được phát hiện. Ngoài ra, một số thành phần đặc biệt trong kem đánh răng giúp làm răng trắng, sạch, mang lại nụ cười tự tin cho mỗi người.
Tóm lại, răng nhạy cảm là khi ăn một số loại thực phẩm hay khi thay đổi thời tiết gây ê buốt răng và đau. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới răng nhạy cảm như: tụt nướu, ăn nhiều thực phẩm chua, lạnh, sâu răng, vỡ răng. Răng nhạy cảm khiến cho người bệnh có cảm giác khó chịu, đau buốt, do đó khi thấy có những vấn đề bất thường về răng lợi, cần đến ngay các phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt để được thăm khám và can thiệp kịp thời.
5. Điều trị răng nhạy cảm như thế nào?
Bạn nên đến các cơ sở nha khoa uy tín để xác định được đúng nguyên nhân gây nên ê buốt răng để đưa ra phác đồ điều trị đúng. Nha Khoa Lê Hoàng với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt lâu năm nhiều kinh nghiệm, đội ngũ phục vụ tận tình, chu đáo cùng với hệ thống trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại sẽ giúp bạn chữa trị tận gốc vấn đề ê buốt răng.
Nha sĩ có thể điều trị bằng các sản phẩm chống nhạy cảm để làm giảm các triệu chứng. Gel Fluor, Vecni Fluor hay nước súc miệng có thể dùng cho răng bị ê buốt. Những sản phẩm này được quét trên răng ở các lần hẹn đều đặn trong 1-2 tuần, sự nhạy cảm có thể được khống chế sau vài lần hẹn nha sĩ. Nếu cách này không thể giải quyết thì nha sĩ có thể trám cổ răng để che phủ ngà lộ.